Mức hoa hồng cho các O.T.A (Online Travel Agent) ngày càng cao dẫn đến việc các khách sạn phải tự tìm lối đi riêng cho mình. Làm thế nào để gia tăng lượng khách hàng trực tiếp, đảm bảo doanh thu thực vẫn còn là bài toán nan giải với nhiều chủ khách sạn.
Miếng bánh doanh thu bị chia nhỏ
Trong những năm gần đây, sự gia nhập của các O.T.A nước ngoài và sự phát triển của O.T.A Việt Nam khiến thị trường dịch vụ cung cấp ứng dụng tìm kiếm khách sạn và đặt phòng trực tuyến trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Không thể phủ nhận, việc kết nối với các kênh O.T.A giúp số lượng phòng bán ra tại các khách sạn gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, mức hoa hồng mà khách sạn phải chi cho O.T.A cũng không hề nhỏ, có thể lên đến 20-25% tùy vào thỏa thuận của khách sạn và quy mô của O.T.A. Phần hoa hồng này được xem là “chi phí kinh doanh” của khách sạn và từ lâu trở thành gánh nặng trong doanh thu.
Các khách sạn lớn có thể dùng thương hiệu của mình để thương thảo với các O.T.A và đạt được những thỏa thuận hợp lý. Vì suy cho cùng, nếu một khách sạn có tên tuổi rút ra khỏi hệ thống có thể khiến một O.T.A mất hàng triệu đô la thu nhập.
Ngược lại, các khách sạn vừa và nhỏ hầu như đều phải phụ thuộc vào O.T.A để tăng số lượng đặt phòng. Do tính phụ thuộc cao nên các thỏa thuận về hoa hồng, giảm giá, theo đó cũng thiên phần bất lợi về phía khách sạn.
Sở dĩ có sự phụ thuộc này là do các khách sạn vừa và nhỏ chưa quan tâm, hoặc không đủ tiềm lực để đầu tư kênh quảng bá riêng. Rất nhiều khách sạn không có website, hoặc website thiếu chức năng đặt phòng online. Việc sở hữu website hoàn chỉnh với đầy đủ tính năng đặt phòng, quản lý số lượng khách, quản lý kết hợp với các kênh O.T.A,… có mức chi phí hoàn toàn vượt quá khả năng của khách sạn. Do phải chi hoa hồng cho O.T.A nên hầu hết các khách sạn nhỏ không muốn rước thêm gánh nặng chi phí đầu tư cho các kênh phân phối khác, dù đó là kênh trực tuyến của chính mình.
Vì vậy, các khách sạn vừa và nhỏ lại tiếp tục rơi vào vòng lẩn quẩn để giải quyết bài toán hoa hồng và lợi nhuận.
Giải pháp nào cho khách sạn vừa và nhỏ?
Nghiên cứu “Hiệu ứng quảng cáo” tiến hành bởi trường đại học Cornell tiết lộ rằng không ít du khách cuối cùng sẽ tìm tới và đặt phòng trên website của khách sạn sau khi đã so sánh giá trên các O.T.A. Thông tin này là một “điểm sáng” trong việc giải quyết vấn đề của chủ khách sạn. Để gia tăng lượng khách hàng trực tiếp, trước hết các khách sạn cần có kênh quảng bá chủ động như website với chức năng đặt phòng trực tiếp đặt ở vị trí thật nổi bật.
“Với sự phát triển của công nghệ trong thời gian gần đây, rào cản chi phí không còn là vấn đề lớn, việc sở hữu website hoàn toàn nằm trong tầm tay của khách sạn vừa và nhỏ” – ông Võ Thái Hiển, CEO của Chili.vn đã phát biểu trong buổi ra mắt giải pháp Chili Hotel Web tại sự kiện Vietnam Online Tourism Day 2017.
Chia sẻ thêm về giải pháp, ông nói: “Giải pháp này giúp đơn giản hóa việc quản lý số lượng phòng, cung cấp kênh phân phối và quảng bá riêng cho chính khách sạn, từ đó có thể tăng được lượng khách hàng trực tiếp và mang đến doanh thu thực.”
Sau khi trang bị website, các khách sạn có thể áp dụng các chiêu thức gia tăng sự yêu thích của du khách đối với thương hiệu khách sạn như: tặng thêm phiếu ăn tại khách sạn nếu đặt phòng trực tiếp, đưa đón 2 chiều từ sân bay, cơ hội nâng cấp phòng khách sạn khi nhận phòng, giảm giá sâu hơn… Quy tụ chung, các chương trình ưu đãi đó có thể chạy trên nhiều kênh quảng cáo nhưng cuối cùng vẫn dẫn đến trang đích là website khách sạn.
Nguồn: Cafef.vn