Là yếu tố mang tính quyết định đến doanh thu, tối ưu dữ liệu khách hàng là việc “phải làm” với nhiều doanh nghiệp.
Tối ưu dữ liệu khách hàng giúp doanh nghiệp tiến xa hơn về mặt lợi nhuận lẫn doanh thu
Khi cần đưa ra quyết định mang tính chiến lược, những suy nghĩ cảm tính có thể “giết chết” doanh nghiệp. Vì vậy, ở cấp độ quản lý, các nhà lãnh đạo cần căn cứ vào nguồn thông tin minh bạch và xác thực để có thể tiếp cận khách hàng hiệu quả. Một trong số đó là dữ liệu khách hàng – công cụ đắc lực giúp các marketer thực hiện các bước triển khai khoa học dựa trên các con số, thay vì chỉ bằng cách phỏng đoán thuần túy.
Bài viết sau đây sẽ cung cấp đến bạn 4 cách mà các nhà tiếp thị có thể tận dụng dữ liệu khách hàng để tăng tỷ lệ chuyển đổi, góp phần tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Bằng cách “nắm thóp” chân dung khách hàng, marketer có thể thúc đẩy sự tăng trưởng doanh thu hiệu quả
1. Thiết lập hồ sơ dữ liệu khách hàng chi tiết nhất có thể
Dữ liệu khách hàng có thể được thu nhận từ nhiều nguồn đa dạng
Thiết lập và lưu trữ hồ sơ dữ liệu khách hàng là một trong những phương án hiệu quả giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược tiếp thị đúng đắn và cần thiết. Đơn cử như đối với các nhà tiếp thị B2C (doanh nghiệp với khách hàng), họ sẽ cần những câu trả lời chi tiết như: đối tượng của họ là ai, khách hàng đang tìm kiếm điều gì và điều gì thúc đẩy họ đưa ra quyết định mua hàng.
Doanh nghiệp nên tập trung thu thập dữ liệu khách hàng tại mọi điểm chạm, bao gồm lượt click vào email, lịch sử duyệt trang web, tương tác trên thiết bị di động và tại cửa hàng,… Điều này cung cấp cho các nhà tiếp thị cái nhìn tổng quan những yếu tố ảnh hưởng đến hành trình mua hàng của khách hàng, thiết lập hồ sơ khách hàng một cách thống nhất. Hồ sơ khách hàng càng phong phú, việc gửi đúng đối tượng, đúng thông điệp vào đúng thời điểm sẽ trở nên dễ dàng và nâng cao tỷ lệ chuyển đổi hơn.
2. Luôn cập nhật tương tác mạng xã hội
Thói quen sử dụng mạng xã hội của người dùng giúp doanh nghiệp khai thác dữ liệu hiệu quả
Internet phát triển giúp khách hàng có thể tương tác trên nhiều nền tảng khác nhau, điều này đồng nghĩa với việc các marketer phải có sự chuẩn bị sẵn sàng cho mọi điểm chạm trên hành trình trải nghiệm sản phẩm/dịch vụ của khách hàng.
Việc theo dõi tương tác trên các kênh cũng có thể tạo ra một bức tranh toàn cảnh hơn về người tiêu dùng hoặc một nhóm đối tượng khách hàng cụ thể. Dựa vào các thông tin này, marketer có thể bổ sung các kênh, mức độ tương tác và thiết bị vào hồ sơ dữ liệu khách hàng. Từ đó, đưa ra các quyết định về kênh tiếp thị và nội dung tiếp thị phù hợp với nhóm khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp.
3. Cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng
Bạn có thể tạo nên một danh sách khách hàng trung thành bằng việc cá nhân hóa trải nghiệm người dùng
Báo cáo cho rằng, nếu một nội dung tiếp thị hấp dẫn và phù hợp với thói quen mua hàng cụ thể của khách hàng, họ sẽ có nhiều khả năng tương tác, click và chuyển đổi thành người mua hàng trung thành. Do vậy, với những dữ liệu khách hàng mà doanh nghiệp thu thập được, các nhà tiếp thị có thể cá nhân hóa hành trình cho từng đối tượng khách hàng cụ thể.
Mỗi hồ sơ khách hàng càng chi tiết, các chiến dịch càng được cá nhân hóa càng có thể nhắm mục tiêu ở mức độ cá nhân. Ví dụ, doanh nghiệp có thể chạy các chiến dịch ưu đãi địa phương với dữ liệu khách hàng tại một vị trí địa lý hoặc địa điểm cụ thể.
4. Phân tích dữ liệu khách hàng để tìm ra vị trí cần tập trung
Nếu khách hàng có thói quen mua sắm trực tuyến, hãy tận dụng tốt vị trí này
Thu thập, phân tích và tận dụng dữ liệu khách hàng cũng cho phép các marketer biết chính xác những điểm cần tập trung để có được lợi nhuận cao hơn. Nhờ vào sự hỗ trợ của học máy hoặc trí tuệ nhân tạo, các nhà tiếp thị có thể đưa ra quyết định phát triển các kênh bán hàng, vị trí tiếp thị phù hợp với đa số nhu cầu khách hàng của doanh nghiệp.
Ví dụ như khi số lượng khách hàng thực hiện đặt hàng tại các nền tảng giao hàng công nghệ hoặc website bán hàng nhiều hơn tương đối so với lượng khách offline, doanh nghiệp có thể tập trung phát triển các kênh trực tuyến, triển khai một chiến lược mới trên mạng xã hội hoặc có thể quyết định cắt giảm những hạng mục không còn đem lại khả năng chuyển đổi cao như kênh truyền thống.
Rõ ràng, dữ liệu khách hàng cung cấp một nguồn lợi ích khổng lồ cho doanh nghiệp. Bài toán mà một marketer cần giải quyết là làm thế nào để khai thác nó một cách hiệu quả và đem lại nguồn thu ngày càng tăng cho doanh nghiệp. Hy vọng, bài viết của chúng tôi đã cung cấp đến bạn cái nhìn chi tiết và đúng đắn, để từ đó doanh nghiệp có những hướng đi chuẩn xác nhằm khai thác dữ liệu khách hàng một cách hiệu quả, tối ưu.