Bên cạnh những lợi ích thiết thực cho chiến dịch marketing, nội dung do người dùng tạo ra vẫn tồn tại những mặt trái đáng quan tâm.
Ở bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu đến bạn rất nhiều lợi ích của nội dung do người dùng tạo như gia tăng đáng kể tương tác trên các trang web, dễ chia sẻ và lan tỏa, tính xác thực, chi phí thấp,… Dù vậy, phương thức tiềm năng này cũng tồn tại nhiều bất cập khi triển khai song song với chiến dịch Marketing. Để hiểu rõ hơn về mặt trái của nội dung do người dùng tạo và cách ứng phó, hãy cùng theo dõi tiếp tục phần 2 của bài viết ngay sau đây.
Những mặt trái của nội dung do người dùng tạo
Thông tin cần được kiểm duyệt
Ở phương diện lý tưởng, nội dung do người dùng tạo sẽ tuân theo các quy tắc và làm gia tăng giá trị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của phương thức này chính là thông tin mang tính chủ quan. Người dùng cũng có thể tải lên bất cứ thông tin gì mà họ thích, từ lời lẽ không phù hợp đến những phản ánh tiêu cực làm thiệt hại đến uy tín công ty.
Vụ lợi cá nhân
Khi thông tin đăng tải của người dùng nhận được độ tiếp cận rộng rãi, các đối thủ cạnh tranh hoặc thậm chí là chính người dùng có thể lợi dụng cơ hội đó để vụ lợi cá nhân. Đây là một mối nguy hại về danh tiếng cực kỳ to lớn cho doanh nghiệp, nhất là khả năng phải chia sẻ lợi nhuận với đối thủ của mình.
Lượng độc giả trung thành
Trước khi nội dung do người dùng tạo có khả năng tương tác mạnh mẽ, bạn cần phải xây dựng một cộng đồng độc giả của riêng mình. Vì vậy, quá trình này có thể mất nhiều thời gian hơn quá trình mà doanh nghiệp đã hoạch định sẵn cho chiến dịch marketing.
Vi phạm bản quyền
Vì không hoàn toàn thuộc quyền kiểm duyệt của doanh nghiệp, các nội dung do người dùng tự do tạo có thể vi phạm bản quyền. Tác động nhẹ có thể bị yêu cầu gỡ bỏ, gây mất lượng tương tác ban đầu, cho đến tác động nặng là làn sóng phản đối của cộng đồng về vấn đề bản quyền. Ngày nay, bản quyền tồn tại dưới rất nhiều định dạng sản phẩm, từ nội dung, hình ảnh đến cả âm thanh và video clip.
Ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu nếu thông tin không minh bạch
Khi người dùng có thể tự do sáng tạo bất kỳ nội dung nào họ thích, chắc chắn sẽ có không ít lượng tin tức giả mạo xuất hiện. Bạn có thể sẽ không thực sự biết được người đó là ai, đến từ đâu hay có họ có phải thật sự là khách hàng của bạn không.
Hướng giải quyết cho những bất cập trên
Thông tin cần được kiểm duyệt
Hãy đảm bảo bạn xây dựng một hệ thống kiểm duyệt chặt chẽ đối với những nội dung do người dùng tạo liên quan đến doanh nghiệp/sản phẩm. Điều này có nghĩa là tất cả các đánh giá đều phải trải qua sự sàng lọc trước khi được xuất bản với cộng đồng. Mặc dù quy trình này có thể mất nhiều thời gian so với việc đăng tải thông tin thông thường, nó sẽ giúp bạn đảm bảo danh tiếng trang web và tránh được những điều tiếng xấu về sau.
Ví dụ như Facebook – phần mềm hoạt động chính với những nội dung người dùng tự tạo đã tạo ra một bảng quy chuẩn sàng lọc của riêng mình, trong đó, các thông tin về: bạo lực, ngôn ngữ thù hằn, phân biệt chủng tộc, tin giả,… sẽ không được đăng tải.
Chặn các liên kết tiêu cực
Để đối phó với nạn vụ lợi các nhân, bạn có thể xây dựng một tập lệnh bao gồm các từ khóa bị chặn. Đây là một tính năng cực kỳ hữu ích giúp doanh nghiệp dễ dàng lọc bỏ những bình luận spam hoặc nội dung quảng cáo, bán hàng trục lợi từ doanh nghiệp.
Tận dụng lượng đọc giả trung thành sẵn có
Dù cần thời gian dài để xây dựng thế nhưng lượng đọc giả trung thành sẽ là một nguồn “nguyên liệu” cực kỳ quan trọng cho những chiến dịch sau này của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, nếu bạn cần một cú nổ truyền thông đến từ nội dung do người dùng tạo trong thời gian ngắn, bạn có thể sử dụng những người dùng đã có sẵn nhóm đọc giả trung thành như: KOLs, influencer,… Bằng cách gửi họ sản phẩm dùng thử và xin review sản phẩm từ họ, bạn đã có thể tận dụng được một tệp độc giả trung thành rộng lớn.
Tìm đến các KOLs hoặc Influencers là phương án đáng tin cậy
Làm rõ trách nhiệm, cung cấp bản quyền
Để tránh hậu quả về sau, tốt nhất là hãy đặt ra trước luật lệ ngay từ đầu. Để tránh vi phạm bản quyền đối với những chiến dịch cần nội dung do người dùng tạo, bạn nên làm rõ trách nhiệm của mỗi bên, rằng người dùng sẽ chịu toàn bộ tổn thất nếu có bất kỳ vấn đề nào phát sinh. Kèm theo đó, bạn có thể hướng dẫn một số nguồn tư liệu miễn phí bản quyền cho người dùng tham khảo và sử dụng.
Ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu nếu thông tin không minh bạch
Nhiều trang web đã gặp phải vấn đề khi người dùng tạo hồ sơ giả mạo của các công ty/người nổi tiếng trên các trang truyền thông mạng xã hội phổ biến. Đây là lý do vì sao doanh nghiệp nên thực hiện xác minh người dùng. Các dấu tick màu xanh trên Twitter, Instagram và Facebook giúp đảm bảo độ tin cậy của tài khoản.
Một số trang web khác như Waze và TripAdvisor trao huy hiệu cho những người đóng góp trung thành và thường xuyên. Điều này không chỉ khuyến khích họ đóng góp liên tục, mà những người dùng khác biết rằng họ đáng tin cậy hơn và ít có khả năng đăng spam hoặc nội dung độc hại có thể gây tổn hại đến uy tín của trang web.
Đừng bỏ qua bước xác minh người dùng khi có nhiều tài khoản đăng tải nội dung về doanh nghiệp của bạn
Trên đây là những mặt trái của nội dung do người dùng tạo có thể làm tổn hại đến uy tín của doanh nghiệp và cách giải quyết. Hi vọng, chuỗi bài viết: Nội dung do người dùng sáng tạo – Chiến dịch marketing thông minh cho mọi doanh nghiệp thời 4.0 đã đem lại cho bạn đọc cái nhìn toàn diện về nguồn thông tin khổng lồ và siêu lợi nhuận này, giúp bạn tiếp cận truyền thông dưới phương diện tinh tế và chuẩn xác hơn.
Tham khảo thêm: Nội dung do người dùng tạo – Chiến dịch marketing thông minh cho mọi doanh nghiệp thời 4.0 (phần 1)